Hệ thống giáo dục đại học tại Pháp

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan hệ thống giáo dục đại học tại Pháp cũng như một số yêu cầu khi đi du học.

Chương trình đào tạo đa dạng

Tại Pháp có khoảng 2,5 triệu sinh viên đang học Đại học. 12% trong số đó là các sinh viên quốc tế. Tất cả đều được hưởng cơ hội học tập rất đa dạng và được theo học mọi chuyên ngành ở mọi trình độ.

Nước Pháp có hơn 3500 cơ sở đào tạo Đại học, công lập và tư thục : 72 trường Đại học Tổng hợp, 25 tổ hợp các trường đại học và các cơ sở đào tạo, 271 trường tiến sĩ, 227 trường kĩ sư được uỷ quyền cấp bằng kĩ sư, 220 trường thương mại và quản lí, 45 trường nghệ thuật công lập, 22 trường kiến trúc và 3000 các trường và các viện tư thục.

Trong số 3000 trường THPT tại Pháp, một số trường có những lớp dự bị vào các grandes écoles (CPGE), một số trường khác thì có các phân ban Kĩ thuật viên cao cấp (STS) hoặc giảng dạy chương trình bằng Kĩ thuật viên cao cấp (BTS).

Hơn 1 300 chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trên danh mục Programs taught in English (Các chương trình dạy bằng tiếng Anh)Các chương trình học ngắn hạn kết hợp với học tiếng và trao đổi văn hoá cũng luôn chào đón các bạn sinh viên quốc tế. Các bạn có thể xem chi tiết hơn tại danh mục programmes courts (chương trình ngắn hạn) và trên ứng dụng Immersion France.

Ngày càng có nhiều khoá học giảng dạy trực tuyến bằng tiếng Pháp (MOOC). Đằng sau chữ viết tắt FUN của France Université Numérique (Đại học Kỹ thuật số Pháp) là nền tảng đầu tiên của các khóa học trực tuyến của Pháp. Trường có gần 300 khoá học từ 80 cơ sở đào tạo và có tới gần một triệu lượt đăng ký.

Tổ chức hoạt động giảng dạy

Lịch trong năm học

Ở Pháp, năm học thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 hoặc tháng 6, tuỳ theo từng cơ sở và chương trình đào tạo. Trong năm học sẽ có những kì nghỉ, đặc biệt là hai tuần dịp lễ tết cuối năm (Lễ Noel và đón năm mới). Giữa hai học kì sẽ có một khoảng thời gian nghỉ giữa giai đoạn, sau kì thi cuối kì 1. Còn nghỉ hè sẽ kéo dài khoảng 2 tháng vào tháng 7 và tháng 8.

Các bài giảng

Trong giáo dục Đại học ở Pháp, đặc biệt là ở các trường Đại học Tổng hợp, có hai loại tiết học :

  • Tiết học trên giảng đường :  bài giảng này được tiến hành trên giảng đường, dưới hình thức thuyết trình của một giáo sư và sinh viên sẽ ghi chép lại. Các bài giảng do các giáo sư biên soạn  thường được tập hợp lại và sẽ được phát cho sinh viên vào cuối khoá để ôn thi. Tất cả sinh viên của khóa sẽ cùng học ( từ 50-300 sinh viên tùy trường).

  • Tiết học có giáo viên hướng dẫn (Travaux dirigés TD) và các bài thực hành (Travaux pratiques TP) được chia theo nhóm nhỏ có giới hạn số lượng (thường khoảng 15 người). Các bài học này minh hoạ cho các bài giảng trên giảng đường qua các tiết thực hành và đi sâu vào những kiến thức đã được thuyết trình trên giảng đường. Trong các khóa đào tạo thực hành ở Đại học tổng hợp (DUT, Cử nhân hoặc Thạc sĩ thực hành) đều có các khóa thực tập, thời gian làm việc tại doanh nghiệp cũng như các tiết bài tập có hướng dẫn và tiết thực hành.

Kiểm tra kiến thức

Có 2 hình thức kiểm tra kiến thức trong giáo dục đại học tại Pháp :

  • Kiểm tra thường xuyên, loại hình này có thể đánh giá được những kiến thức mà người học đã tiếp thu được qua các bài kiểm tra xuyên suốt năm học và ở từng môn học (thường ở dưới dạng thuyết trình, làm bài theo nhóm, tiểu luận, v.v)

  • Các kỳ kiểm tra diễn ra trong vài ngày, bao gồm kiến thức tổng hợp của các môn học. Đây là kỳ kiểm tra toàn diện, được tổ chức 2 lần trong năm.

Ở trường đại học tổng hợp, các bài giảng thường tổ chức dưới dạng các học phần (nhóm các môn học liên kết) có thể tích luỹ được : bằng tốt nghiệp sẽ ghi rõ có “n” học phần : trong đó một số học phần bắt buộc, một số khác là tự chọn. Các học phần hoàn thành chỉ học một lần và có giá trị vĩnh viễn.

Yêu cầu trình độ tiếng Pháp

Nếu bạn dự định theo học một chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, bạn sẽ không bắt buộc phải có một trình độ tiếng Pháp tốt. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo mà bạn đang học có thể sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh của bạn.

Ngược lại, nếu bạn theo học bằng tiếng Pháp, bạn cần biết rằng sinh viên nước ngoài phải có một tài liệu chứng minh trình độ tiếng Pháp. Bạn có thể tham gia một kì thi hoặc một bài kiểm tra chính thức của Pháp để có được tài liệu này, ví dụ như kì thi DELF, DALF hoặc chứng chỉ TCF. Tham chiếu chung dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CECRL). Sinh viên nước ngoài có bằng tú tài của Pháp (Baccalauréat) trong một trường thuộc AEFE – Cơ quan giáo dục Pháp ở nước ngoài sẽ được miễn chứng minh trình độ tiếng Pháp.

Sinh viên nên đạt đến trình độ tiếng Pháp B1 hoặc B2 để có thể theo học bậc Cử nhân, Thạc sĩ và đạt trình độ cao hơn nữa nếu học  trong các khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trình độ B2 là bắt buộc phải có để đăng ký học Năm nhất Đại học theo quy trình DAP (demande d’admission préalable – Yêu cầu ứng tuyển trước). Một số cơ sở đào tạo Đại học của Pháp còn yêu cầu đến trình độ cao hơn, C1 hoặc C2, đối với những chương trình đào tạo chuyên biệt.

(Theo Campus France Việt Nam)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *